Phong thần Tô_Lịch

Năm Trường Khánh thứ hai (822) đời Đường Mục Tông,[4] Lý Nguyên Hỷ (hay Lý Nguyên Gia) lúc đấy là quan đô hộ giữ đất Long Biên, thấy ngoài cửa Bắc thành có dòng nước chảy ngược (nghịch thủy),[5] sợ dân chúng có lòng phản nghịch nên mới dời phủ trị tới bên bờ sông. Sau khi chuyển thành tới, Lý Nguyên Hỷ bèn mời các bậc phụ lão tới bàn bạc, rồi cho xây một ngôi đền lớn, tôn Tô Lịch làm Thần chủ của cả thành. Sách Việt điện u linh chép lại truyện trên, có đoạn là khi Lý Nguyên Hỷ xây xong đền, cho mở tiệc náo nhiệt, "trăm điệu múa đều có, đàn địch vang trời", thì tối hôm đó, Tô Lịch đã hiện lên trong giấc mộng:

...Đêm ấy, Nguyên Hỷ đang yên lặng nằm bên cửa sổ, bỗng nhiên một trận thanh phong vùn vụt đến, bụi cuốn cát bay, rèm lay án động. Rồi thấy có một người cưỡi một con nai trắng từ trên không hạ xuống, râu mày bạc phơ, áo mão thì rành rạnh, lần đến bảo Nguyên Hỷ rằng:

- Nhờ ơn sứ quân uỷ cho ta làm chủ thành này, nếu sứ quân có giáo hóa được cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thẳng ngay, thì mới sung được nhiệm vụ của quan thủ mục, mới xứng với trách nhiệm của một bậc tuần lương.

Nguyên Hỷ bái tạ xin vâng, nhưng hỏi đến họ tên thì không đáp. Bỗng nhiên tỉnh dậy mới hay đó là mộng.[6]

Đến khi Cao Biền xây thành Đại La (866), vị thần này lại xuất hiện thêm lần nữa. Sách Lĩnh Nam chích quái cũng chép truyện sông Tô Lịch, tuy nhiên trong đó lại đồng hóa hai vị thần Tô Lịch và Long Đỗ. Trong sách này, khi chơi trên con sông quanh thành Đại La, Biền gặp vị thần tự xưng là Tô Lịch, nên mới đặt tên sông là Tô Lịch. Sách viết:

...[Cao] Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất mà xây thành Đại La ở phía tây Lô Giang, chu vi 30 dặm để ở. Có dòng sông con từ Lô Giang chảy vào phía Tây Bắc, cuốn quanh phía nam, ôm lấy thành Đại La rồi lại nhập vào sông cái. Hồi đó đang giữa tháng sáu nước mưa lên cao: Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào tiểu giang đi khoảng một dặm, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên. Đáp: ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: Nhà ở đâu? Đáp: Nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.

Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt, Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: "Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh,[7] ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?" Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đến hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi, than rằng: "Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ". Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tầm được cử sang thay.

Sách Việt điện u linh không chép lại chuyện này, chỉ ghi rằng: "Kịp đến lúc Cao Biền xây thành Đại La, nghe Vương linh dị, lập tức đem lễ điện tế bái chức Đô phủ Thành hoàng Thần quân".

Khi Lý Thái Tổ dời đô (1010), thường nằm mơ thấy một ông lão râu bạch, đến bên bệ rồng, hô vạn tuế, chúc mừng nhà vua. Vua cười hỏi: "Tôn thần cũng giữ được hương lửa trăm năm hay sao?". Ông liền đáp: "Mong muốn hoàng đồ như Thái Sơn bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận thái hòa, bọn thần không chỉ hương hỏa một trăm năm mà thôi".

Sau khi tỉnh dậy, bèn sai quan Thái chúc đem rượu tế, phong thần làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương.

Đến niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (1285), Trần Nhân Tông sắc phong cho thần Tô Lịch hai chữ "Bảo quốc"; năm Trùng Hưng thứ tư (1288), lại gia phong thêm hai chữ "Hiển linh". Năm Hưng Long thứ 21 (1313), Tô Lịch được phong thêm hai chữ "Định bang" nữa.